Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em thường phổ biến ở khoảng thời gian từ 6 – 24 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ cần có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật. Việc tối ưu hóa dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời sẽ giúp trẻ có một khởi đầu tốt nhất và phát triển tối ưu.
️Làm thế nào để biết được con yêu có đang bị suy dinh dưỡng hay vẫn phát triển bình thường, hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!
NGUYÊN NHÂN GÂY SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ
– Trong sinh hoạt thường ngày, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi)
– Thức ăn không hợp khẩu vị hợp hoặc trẻ không được ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau
– Do trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, giun sán…) phải sử dụng thuốc có hiệu quả diệt vi trùng gây bệnh, cùng lúc sẽ diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột, dẫn đến việc kém hấp thu và biếng ăn.
– Trẻ gặp phải vấn đề tâm lý khi gia đình có những hành động ép buộc quá mức để cho trẻ ăn, khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, lâu ngày sẽ gây ra bệnh chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.
CÁC DẤU HIỆU SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ
Các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thiếu dinh dưỡng mà trẻ mắc phải. Ban đầu các dấu hiệu suy dinh dưỡng có thể không rõ ràng, tuy nhiên các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị. Một số dấu hiệu của suy dinh dưỡng bao gồm:
– Mệt mỏi, thiếu năng lượng, cáu gắt.
– Hệ thống miễn dịch kém làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.
– Thời gian phục hồi lâu hơn sau vết thương.
– Da xanh, khô hoặc nứt da, gây ngứa và tạo thành vảy.
– Tóc và móng thưa rụng dễ gãy
– Không tăng trưởng như mức dự kiến trong 3 tháng liên tiếp hoặc giảm cân
– Teo mỡ ở cánh tay, thịt nhão, mất hết lớp mỡ dưới da bụng
– Ăn kém, gặp vấn đề tiêu hóa (tiêu phân sống, tiêu chảy), bụng đầy hơi và phình to theo thời gian.
– Sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng, chậm phát triển hành vi và trí tuệ, ảnh hưởng đến học tập..
VẬY BỐ MẸ NÊN LƯU Ý ĐIỀU GÌ?
Đồng thời, bố mẹ hãy luôn đảm bảo những điều sau đây:
– Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài từ 18 – 24 tháng, nếu mẹ không đủ sữa cần có nguồn sữa phù hợp để thay thế cho trẻ.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng cân khỏe mạnh: Cho trẻ ăn dặm khi được 6 tháng tuổi, ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính như bột, đường, đạm béo, vitamin và khoáng chất.
– Theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng nhằm phát hiện sớm tình trạng và ngăn chặn nguy cơ gây bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt và các loại thực phẩm chế biến sẵn không có giá trị dinh dưỡng.
– Duy trì luyện tập thể dục và các hoạt động thể chất mỗi ngày để tăng cường miễn dịch cho trẻ.
– Thường xuyên động viên, khuyến khích trẻ, tạo cảm giác vui vẻ trong bữa ăn. Mẹ tuyệt đối không nên quát mắng, dọa nạt hay đánh đập bắt trẻ ăn, vì khi này sẽ tạo nên áp lực tâm lý, khiến trẻ ngày càng sợ ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ
– Luôn hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng trước khi cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào, kể cả vitamin.
Thói quen ăn uống và sở thích của trẻ là khác nhau vì vậy chế độ ăn uống và vận động cần được cá nhân hóa cho từng trẻ chứ không có một thực đơn hoặc chế độ ăn uống nào áp dụng được cho tất cả.